Hướng dẫn làm mạch in thủ công tại nhà

0
8302
Thi công mạch in thủ công

Chào các bạn!

Làm mạch in thủ công là một trong những nhu cầu không thể thiếu của các bạn sinh viên học ngành điện tử hay những bạn có đam mê và đang tìm hiểu về điện tử. Tuy nhiên một số bạn vẫn chưa biết cách làm mạch in. Trong bài viết này tôi sẽ chia sẽ cho các bạn cách thi công mạch in thủ công tại nhà.

Quy trình làm mạch in thủ công hoàn chỉnh

1. Vẽ sơ đồ nguyên lý mạch (schematic)

Có nhiều phần mềm hỗ trợ thiết kế mạch điện tử như Proteus, Altium, Orcad, Eagle…
Ở đây mình thiết kế một mạch đếm dùng IC 74LS192 bằng phần mềm Proteus vì phần mềm này khá dễ sử dụng thích hợp với các bạn mới làm quen với điện tử.
Vẽ sơ đồ nguyên lí được vẽ trên phần mềm Proteus:
sơ đồ nguyên lý

2. Chuyển từ sơ đồ nguyên lý sang sơ đồ mạch in: 

Để thiết kế mạch in các bạn có thể sử dụng một trong các phần mềm đã giới thiệu ở trên

mạch in

Với cách này, phần mềm sẽ tự động cập nhất các thông số linh kiện từ mạch nguyên lý sang mạch in.
Sau khi thiết kế xong mạch in chúng xuất mạch in ra định dạng file PDF rồi tiến hành in mạch ra giấy với tỷ lệ 1:1 hoặc 100%.

Đây là mạch in sau khi xuất ra định dạng PDF:

mạch in file pdf

Các bạn đem file mạch in ra cửa hàng photocopy để in, nhớ in bằng máy in lazer và dùng giấy loại bóng 1 mặt để in (in lên mặt bóng của giấy).

Mạch in sau khi in ra giấy:

3. Thi công mạch in

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ

  1. Cồn hoặc Axeton (xăng thơm)
  2. Xăng pha nhựa thông
  3. Thiếc hàn (chì hàn)
  4. Mỏ hàn chì
  5. Giấy nhám (giấy ráp)
  6. Bút lông dầu
  7. Mạch in
  8. Kềm cắt chân linh kiện
  9. Dao cắt mạch
  10. Board Đồng (phíp đồng).

  1. Bàn ủi
  2. Máy khoan mạch
  3. Thước kẻ
  4. Thuốc ngâm mạch (bột sắt FeCl3)

Bước 2: Cắt Board đồng theo kích thước của mạch in 

Sau đó bạn các bạn dùng giấy nhám chà thật sạch board đồng rồi dùng cồn lau cho board đồng thật sạch.

Lưu ý : Nếu bước này các bạn đánh board đồng không sạch thì ở bước sau các bạn sẽ không ủi mạch được. ( đánh đến khi nào bóng loáng là được ^^)

Bước 3: Ủi mạch

Đây là công đoạn cần sức lực và cũng khá khó khăn đấy, đòi hỏi bạn phải có chút kinh nghiệm thì mới thành công được.

  • Bạn áp phần có hình mạch in trên giấy vào mặt có đồng của board đồng, căn chỉnh sao cho khớp, sau đó tận dụng phần thừa của giấy in mạch để dán cố định giấy với board đồng (có thể dùng băng keo giấy để cố định)
  • Sau đó bạn ủi sơ qua toàn bộ bề mặt cần ủi để cho giấy định hình tiếp xúc hoàn toàn với board đồng.
  • Tiếp theo bạn dùng mũi và cạnh của bàn ủi tập trung ủi các góc và cạnh của board mạch cần ủi vì góc và cạnh của board mạch là nơi khó ủi nhất và nhiệt khó tập trung ở những nơi đó khó nhất, vùng trung tâm thì bạn ủi 2-3 lần là dính hết rồi.
  • Thời gian ủi tùy thuộc vào từng loại board to nhỏ và kinh nghiệm của mỗi người.

Chú ý: Nên đẻ bàn ủi ở mức nhiệt cao nhất và ủi thật kỹ các góc, cạnh của mạch.

Bạn ủi mạch khoảng 5-10 phút cho đến khi nào lớp mực in trên giấy bám hết vào mặt đồng của board đồng.

Sau đó đợi mạch nguội ta dùng tay nhẹ nhang bóc 1 ít ra xem nếu mạch mực chưa bám xuống hết ta cố định lại và ủi lại khoảng 3 phút .

Sau khi ủi xong mạch ta dùng bút lông dầu tô lại những chỗ mực in chưa ăn xuống hết.

Bước 4: Ngâm mạch

  • Pha bột sắt ( FeCl3) với nước theo tỉ lệ 100g bột sắt pha với 250ml nước.
  • Sau đó ngâm mạch trong dung dịch FeCl3 khoảng 10 phút cho đến khi lớp đồng được ăn mòn hết thì lấy mạch ra rửa với nước cho sạch.

Một số lưu ý:

  • Bột sắt pha với nước với tỷ lệ vừa phải đừng loãng quá điều đó sẽ làm mạch bị ăn mòn lâu hoặc pha quá nhiều sẽ làm mạch in tróc hết.
  • Vì thuốc rửa mạch có hại cho da nên bạn hãy cẩn thận hạn chế bị dính vào người, tốt nhất là nên đeo găng tay và kính bảo hộ khi thực hiện. Nếu không may bị dính vào tay thì hãy nhanh chóng rửa nhanh bằng nước sạch. 

Mạch in sau khi ngâm và rửa sạch bằng nước:

Bạn thấy đấy, chỉ còn lại phần đồng được che phủ bởi mực in, những phần đồng không được che phủ bởi mực in đều đã bị ăn mòn hoàn toàn. 

Bước 5: Khoan lỗ

Dùng giấy nhám làm sạch hết lớp mực trên mạch. Sau đó tiến hành khoan mạch.

Một số lưu ý khi khoan mạch:

  • Bạn nên đặt board cần khoan trên một cuốn vở, khi bạn lỡ khoan sâu quá thì mũi khoan xuyên vào giấy không bị dính mũi khoan, đồng thời bảo vệ mặt bàn.
  • Khi khoan cố gắng đặt mũi khoan vuông góc với board mạch.
  • Đặt mũi khoan vào những lỗ chấm nhỏ có tác dụng cố định đầu khoan.
  • Bạn có thể tập khoan trên những tấm board hư để làm quen với việc khoan mạch, sau khi đã thành thạo thì khoan trên mạch cần làm.
  • Chọn mũi khoan phù hợp với linh kiện

Mạch in sau khi đã khoan xong:

Bước 6: Hàn mạch 

Hàn từ linh kiện thấp nhất đến cao nhất. Mạch này có 1 jump, ta hàn jump đầu tiên. Sau đó hàn tiếp điện trở, đế IC, tụ điện, điện trở, nút nhấn…

Đây là mạch in sau khi hoàn chỉnh :

Sau khi hàn xong, các bạn nên quét một lớp nhựa thông pha xăng thơm lên mạch để bảo vệ mạch, nếu không thì chỉ sau 1 vài ngày đường đồng bị oxy hoá đen thui, dẫn điện kém và nhìn board rất xấu.

Bước 7: Kiểm tra và chạy thử mạch

  • Kiểm tra kĩ các đường mạch các chân IC xem có bị dính chân hay chập mạch hay không.
  • Cấp nguồn và chạy thử mạch

Và đây sản phẩm của mình đã làm thành công trong một ngày nổ lực.

Làm mạch in thủ công tại nhà

Lời kết

Hy vọng các bạn đam mê kỹ thuật nói chung và các bạn đam mê điện tử nói riêng sau khi đọc xong bài viết này có thể thực hiện thành công một mạch điện tử mà mình yêu thích.

Nếu có khó khăn gì trong quá trình thực hiện các bạn hãy mạnh dạn đặt những câu hỏi bên dưới phần comment nhé để tôi và mọi người giúp đỡ bạn.

Chúc các bạn thành công!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây